Ngụy biện chi phí chìm

Chi phí chìm – Sunk Cost là chi phí mà bạn đã tiêu tốn (công sức, thời gian, tiền bạc) không thể lấy lại được.

Khi bạn sử dụng chi phí này để biện hộ cho một quyết định ở hiện tại, thì nó trở thành Ngụy biện chi phí chìm – Sunk Cost Vallacy

Câu chuyện mua giầy

Hãng giày yêu thích của tôi là Adidas. Nhưng thực tế là Adidas made in VN lại thường không bền bằng những đôi giày Made in .. nước khác. Vì vậy có một lần tôi đã order một đôi từ tận UK để thỏa mãn đam mê. Sau thời gian chờ đợi 1 tháng, đôi giày tôi mơ ước đã trên tay. Chỉ có một vấn đề – nó hơi chật.

Nhưng vì đã mất công chờ đợi

Và nó đắt

Và không thể đổi lại

Và tôi đã rất thích nó

Nên tôi vẫn đi nó hàng ngày, chấp nhận cảm giác khó chịu ở đầu ngón chân.

Cuối cùng, trong một lần đi bộ nhiều hơn mọi ngày, bàn chân tôi tê liệt. Tôi đành từ bỏ, nhưng vẫn dành cho nó vị trí trang trọng trong tủ giầy của mình.

Mỗi lần nhìn thấy nó, một cảm giác tiếc nuối dâng lên trong tôi.

Sunk Cost Fallacy – Ngụy biện chi phí chìm

Thực ra có một thuật ngữ cho hiện tượng này, tên gọi của nó là Sunk Cost Fallacy – Ngụy biện chi phí chìm. Nó là hiện tượng người ta biện hộ cho một quyết định sai, lấy lý lẽ là đầu tư rất nhiều nguồn lực vào đó.

Ở đây nói là ngụy biện vì tất cả những lý lẽ này, thực ra lại không liên quan đến việc ra quyết định.

Bạn có thể nhìn thấy những câu chuyện tương tự bạn hàng ngày.

Một công ty đầu tư rất nhiều tiền vào mô hình kinh doanh hợp tác xã vận tải, nhưng khi bị cạnh tranh bởi mô hình taxi công nghệ, mô hình hợp tác xã cũ không còn phù hợp với thị trường nữa. Công ty đó tiếp tục đầu tư nhiều tiền hơn nữa vào quảng cáo, truyền thông và mở rộng đầu xe cho mô hình kinh doanh không còn hợp thời nữa.

Kết cục không tránh khỏi là một khoản nợ khổng lồ và công ty tuyên bố phá sản.

Wow, ngụy biện chi phí chìm thật nguy hiểm.

Để cảm xúc chiến thắng

Người ta thường không thích cảm giác mất mát mà không thu được gì.

Ngoài cảm giác ra, người ta thường ghét phải thừa nhận cái sai của mình, càng đầu tư nhiều tiền bạc thời gian công sức thì càng khó để thừa nhận.

CEO khó chấp nhận những quyết định sai

Chính phủ không muốn nhận lỗi ở những dự án đầu tư không hiệu quả.

Tệ hơn nữa, việc này còn dẫn đến hành động tự chữa lành – đó là người ta tìm mọi lý lẽ thuyết phục rằng quyết định đó vẫn còn khả thi trong tương lai và tìm mọi bằng chứng để chứng minh điều đó. Một số người thậm chí còn thuyết phục được thêm nhiều kẻ chung chiếc thuyền sắp đắm với mình.

Làm sao để tránh ngụy biện chi phí chìm

Hình thành thói quen thiết lập mục tiêu

Chi phí chìm là chi phí có tồn tại – không thể lấy lại được. Chúng ta cần phải đặt nó lên bàn cân khi cân nhắc ra quyết định. Nhưng chi phí chìm thường được lấy ra để lý luận cho một quyết định tại thời điểm nào đó. Và tại thời điểm đó nó trở thành ngụy biện.

Hãy thiết lập cho mình một mục tiêu rõ ràng

Việc thiết lập mục tiêu rất quan trọng, nó được ví như kim chỉ nam cho mọi quyết định. Tuy nhiên, thiết lập một mục tiêu đúng còn quan trọng hơn nhiều.

Vậy chẳng nhẽ tôi cứ phải thiết lập mục tiêu kể cả cho việc mua giầy của mình à?

Đúng, Việc thiết lập mục tiêu thường xuyên trong tất cả mọi việc sẽ tạo ra một thói quen lành mạnh. Sau khi đạt đến một level nhất định, bộ não sẽ tự nhắc bạn thiết lập mục tiêu từ những việc nhỏ nhất.

Ví dụ như trong trường hợp của tôi:

Mục tiêu mua giầy: Sở hữu một đôi giày của adidas được sản xuất tại UK, vừa vặn với bàn chân

Với mục tiêu trên, nhẽ ra tôi nên bán lại đôi giày khi phát hiện ra nó không vừa với chân tôi. Tôi có thể thu lại được ít nhất 70% giá trị của nó.

Nhưng tôi lại không làm.

Đặt quyết định vào một cái nhìn dài hạn

Đôi khi, thực tế nó không giống như lý thuyết. Có quá nhiều biến số khiến chúng ta bị mất phương hướng trong quá trình ra quyết định.

Lại lấy ví dụ order giầy của tôi. Quyết định sai lầm không ở việc tôi đã order đôi giầy đó, mà nằm ở việc tôi vẫn đi đôi giầy đó dù nó hơi chật so với khổ chân tôi. Tôi đã đặt cảm giác mất mát nếu từ bỏ lên trên thực tế là tôi không thể ngày nào cũng đi một đôi giầy kích mũi.

Câu chuyện bên lề

Ngụy biện cấp độ chính phủ: Câu chuyện Concorde

Chiếc Concorde bốc cháy ở gần Paris ngày 25/7/2000. Ảnh: Tư liệu

Năm 1962, hai chính phủ Anh – Pháp cùng hợp tác trong một chương trình máy bay siêu thanh Concorde. Chi phí đã tăng lên nhanh chóng từ dự tính dưới 400 triệu USD lên tới 2 tỉ USD. Với mức giá bán dự kiến 25 triệu USD/ chiếc, thì dự án gần như không có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Nhưng họ vấn tiếp tục vì họ đã đầu tư quá nhiều, bao gồm tiền, thời gian, công sức.

Cuối cùng, mẫu máy bay Concorde chỉ được sử dụng trong 27 năm. Nó bị khai tử vào năm 2003. Lý do chủ yếu là chi phí vận hành quá cao & không còn phù hợp với môi trường hiện đại.