OKR uyển chuyển

Tròn 1 năm tôi mang OKR về công ty hiện tại. Mô hình OKR của tôi là một dạng đơn giản, các nhóm liên kết với nhau ở mức tương đối, thậm chí công ty tôi còn không có tool để quản trị các mục tiêu.

Thực ra lúc đầu tôi cũng tìm kiếm và thử một vài tool, tuy nhiên trải nghiệm tại FPT khiến tôi thay đổi suy nghĩ về tool quản trị. Nó thực sự sẽ biến thành một cái kho để lưu trữ các mục tiêu, một cái kho mà chỉ được mở ra vào đầu quý và cuối quý. Thay vào đó, chúng tôi dùng trí nhớ của mọi người để lưu trữ các OKR.

Vậy chúng tôi có triển khai bài bản không? Hãy theo dõi cuộc hội thoại giữa tôi và một đồng nghiệp

– Anh ơi em không hiểu, từ hồi áp dụng OKR vào thì thấy mọi việc tốt lên, nhưng vì sao tốt lên thì em không nói rõ được.

– À, nó cũng giống như mày đang đi tập thể hình thôi. Bình thường chả tập gì thấy lúc nào cơ thể cũng yêu yếu, giờ tự dưng có tí tập vào thì thấy khỏe hẳn lên.

– Thế không phải do OKR hả anh

– Phải mà lại không phải đâu. Tập thể hình cũng giống tập yoga, thiền, đá bóng, …OKR thì cũng giống bất kì một phương pháp quản lý nào khác thôi – cứ áp dụng vào thì công ty nào cũng sẽ thấy khỏe hơn. Một năm trước thay vì OKR, chúng ta áp dụng BSC thì kết quả cũng tương tự thôi.

Anh nói thế hạ thấp OKR quá!

– Nhưng mà cũng giống như tập thể hình hay bất kì một bộ môn thể thao nào, để nó thực sự có ích thì phải tập luyện bài bản.

– Bài bản nghĩa là sao anh

– Phải có 3 thứ: Một mục tiêu rõ ràng – Một phương pháp phù hợp – Một kỷ luật thép.

OKR chỉ là một phương pháp, nó có thể rất thành công ở tổ chức này nhưng lại thất bại ở tổ chức khác. Nhiều người cứ áp dụng nguyên mẫu OKR của John Doerr vào doanh nghiệp của mình mà không tính đến yếu tố văn hóa, để rồi nói rằng OKR chán phèo. Văn hóa Việt khác với văn hóa Mỹ, vì vậy khi áp dụng phải biến đổi nó đi cho phù hợp mới được.

Ví dụ dễ thấy là Tây thì thường đề cao cá nhân, còn văn hóa Á Đông thì thường đề cao tính cộng đồng. Ở phương tây việc hợp nhất các mục tiêu có thể rất khó khăn, mà ưu điểm của OKR lại là một công cụ hợp nhất các mục tiêu. Vậy nên OKR trở thành mốt. Phong cách làm việc của người Việt thì khác, nhiều khi phải áp đặt mới hiệu quả. Doanh nghiệp Việt áp dụng “sáng tạo bắt buộc” kiểu Nhật, thì lại hiệu quả hơn việc tạo ra môi trường kích thích sự sáng tạo.

Có nghĩa là áp dụng OKR hay gì cũng tốt, quan trọng phải hiểu công cụ, hiểu thực tế và văn hóa địa phương. Tôi thì vẫn là FAN của OKR vì sự dễ hiểu và uyển chuyển của nó.