Xây dựng chỉ báo KPIs song song OKR

Chúng ta luôn nghĩ rằng doanh nghiệp của mình luôn thiếu nhất 2 thứ: Tiền và Người. Tuy nhiên thực tế khi mở rộng đến một quy mô nhất định, cái chúng ta vướng lại là dữ liệu và đo lường

  • Dữ liệu giúp chúng ta hiểu biết về thị trường, nhu cầu khách hàng, …
  • Đo lường giúp chúng ta nhận biết được tình trạng thể chất của doanh nghiệp. Từ đó có các chiến lược và cải tiến đúng đắn.

Công việc đo lường sẽ dẫn chúng ta đến các chỉ số quan trọng, hay còn gọi là KPI. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ chỉ số KPIs song song với OKR cần một số chuyển biến về phương pháp luận. Nếu không, chúng sẽ trở nên chồng chéo, bào mòn động lực của nhân viên. Bộ KPI này nên đại diện cho sức khỏe của doanh nghiệp – chúng ta cần giữ nó càng ít, càng dễ hiểu càng tốt. Nó phải phản ánh đúng thực tế kinh doanh theo logic: Chỉ số này giảm – chúng ta yếu và ngược lại (*)

Lưu ý (*): Đây là một cách nói tượng hình, trong thực tế nhiều chỉ số giảm lại là tín hiệu tốt.

Xây dựng chỉ số đo lường sức khỏe KPI

Chỉ số KPI nên được thiết lập một cách cân bằng dựa trên các yếu tố của thẻ điểm cân bằng BSC – Balance Score Cards. Nếu hình dung doanh nghiệp như một cái cây, thì các khía cạnh có thể được diễn giải như sau

  • Tài chính: Lợi ích cuối cùng về mặt tài chính cho cổ đông, như là hoa và quả
  • Khách hàng: Giúp cây nhận ánh sáng và quang hợp, như là Lá cây
  • Quy trình: Giúp truyền dưỡng chất đi khắp nơi, như thân & các nhánh
  • Học hỏi và phát triển: Giúp cây bám chắc vào đất hút dưỡng chất, như là hệ thống gốc rễ
Nguồn: RefineM.com

Tại sao có OKR rồi mà vẫn phải có KPI?

KPI trước khi áp dụng OKR: chúng ta đưa ra một vài chỉ số quan trọng và tập trung chiến lược để đạt được các chỉ số đó. KPI là mục tiêu.

KPI sau khi áp dụng OKR: Bộ chỉ số đo lường sức khỏe doanh nghiệp. Chúng ta thường xuyên đo lường & chuẩn đoán để biết công ty đang yếu ở đâu. KPI là chỉ báo.

Đây là sự khác biệt căn bản giữa doanh nghiệp có áp dụng OKR và không áp dụng OKR. Một lý do nữa mà ít người nói: KPI thường được triển khai thác đổ. Ví dụ công ty có 3 KPI, khi thác đổ xuống mỗi phòng áp thêm 3 KPI nữa, cứ thế từ 3 KPI ban đầu chúng tăng theo hệ số nhân khi đến cấp thực thi. Cuối cùng các chỉ số KPI trở thành những con số vô tri kém hiệu quả.

Khám sức khỏe tổng thể bằng KPI

Hình dung chúng ta chuẩn bị một liệu trình giảm cân, việc đầu tiên chúng ta làm là gì? Tất nhiên sẽ là khám sức khỏe tổng thể, dựa trên các chỉ số cơ bản như cân nặng, chiều cao, chỉ số máu, … Từ đó chỉ ra các nguy cơ tiềm tàng. Việc này tương tự như việc xác định các KPI để đo lường tình trạng của doanh nghiệp. Một số trường hợp khám sức khỏe xong thì phát hiện ra mắc bệnh, chúng ta sử dụng OKR để tập trung trị bệnh.

Kể cả sau khi trị bệnh thành công, chúng ta vẫn phải khám định kỳ để thường xuyên kiểm tra sức khỏe bản thân. Bộ chỉ số KPI cân bằng có ý nghĩa giống hệt như vậy.

Kết

KPI không hề mâu thuẫn với OKR, ngược lại còn là chỉ báo không thể thiếu. Như đã nói ở trên, mindset về KPI cần thay đổi một chút khi đã có OKR. Nếu không chúng ta sẽ khiến nhân viên rơi vào tình trạng một cổ hai tròng: vừa chạy chỉ tiêu, vừa làm OKR. Tình trạng đó kéo dài sẽ dẫn đến một trong hai sẽ bị lãng quên và trở thành hình thức.

Tham khảo thêm: Ví dụ một bộ chỉ báo KPI đơn giản

Xem thêm bài: OKR vs KPI