Tâm lý học quản trị (câu chuyện đi muộn)

Đi làm muộn có lẽ là một “vấn nạn” trong bất cứ một công ty nào. Tôi cũng không phải ngoại lệ, tôi đã từng là người thường đi muộn, cũng đã từng đau đầu với những người đi muộn.

Câu chuyện thứ nhất

Tại công ty đầu tiên khi tôi mới đi làm, thông thường giờ bắt đầu làm việc là 9 giờ sáng và kết thúc vào 6 giờ tối. Thời gian đầu, tôi luôn là người xuất hiện lúc 9 giờ sáng và thường lúc đó công ty không có ai. Sau khoảng 1 tháng tôi bắt đầu đi làm muộn vì tôi nghĩ có đến sớm thì cũng không có ai đánh giá cao mình. Cứ như vậy, 9h15 sáng là giờ công ty tôi luôn luôn tắc thang máy vì mọi người đi làm muộn cùng một lúc – và tất nhiên tôi luôn góp mặt từ thứ hai đến thứ sáu.

Nhưng chưa bao giờ tôi thấy ai bị kỉ luật vì đi làm muộn. Tôi thấy một vài người (trong đó có tôi) làm việc đến 8h tối thay vì ra về đúng giờ vào lúc 6h. Vì sao vậy?

Câu chuyện thứ hai

Khi tôi mở công ty, lúc đó số lượng người đã lên đến 15. Vấn nạn đi muộn lại tìm đến tôi và lúc này tôi không chịu ngồi im. Tôi bày ra một trò, cứ ai đi muộn sẽ phải nộp 50 nghìn vào con lợn đất. Cuối năm chúng tôi có nghi thức đập lợn và điều đáng buồn là năm sau luôn bội thu hơn năm trước. Tình trạng đi muộn không suy giảm mà còn trầm trọng hơn. Nhân viên của tôi có xu hướng hết giờ là đứng lên đi về bất kể đã hoàn thành công việc hay chưa.

Lúc đó tôi còn trẻ, hiếu thắng. Nhưng tôi đã chịu thua trên mặt trận chống lại “con ma đi muộn”.

Câu chuyện thứ ba

Tôi làm việc tại một công ty nước ngoài. Chúng tôi có một quỹ thưởng 50$ mỗi người nếu 30 ngày liên tục không có ai đi muộn. Nhưng thường chúng tôi chỉ duy trì được đến ngày thứ 27 là sẽ có người đi muộn. Vì có thù với giặc muộn, nên tôi cực kì quan tâm đến dữ liệu đi muộn của công ty. Nếu mang ra so sánh với các công ty khác, thì tỉ lệ người đi muộn/ người đúng giờ là đáng mơ ước. Cách này thực sự có hiệu quả tức thì.

Cho đến tháng thứ 3 áp dụng, chúng tôi vẫn chưa được thưởng. Nhưng tỉ lệ đi muộn cực thấp vẫn là một con số đáng lưu ý. Sau này, vì một hành động đã phá vỡ phòng tuyến này. Tôi sẽ kể vào phần cuối bài viết.

Lý giải khoa học

Sau này khi đọc cuốn sách tâm lý học Phi lý trí của Dan Ariely, tôi đã tìm ra cách lý giải khoa học cho hiện tượng này. Con người luôn sống trong hai thế giới, một là thế giới của quy chuẩn xã hội, hai là thế giới của quy chuẩn thị trường.

Quy chuẩn xã hội đại diện những quy tắc ứng xử giữa con người với con người. Thí dụ khi ai đó giúp đỡ ta, ta có nghĩa vụ phải nói lời cảm ơn. Và theo tiêu chuẩn xã hội, ta nên giúp đỡ lại họ trong một tình huống tương tự. Một ví dụ gần hơn, học sinh Á Đông luôn có nghĩa vụ phải kính trọng thầy cô giáo.

Quy chuẩn thị trường đại diện cho những trao đổi hàng – tiền – hàng. Ví dụ ta bỏ 50 nghìn ra mua một cốc cafe. Hoặc ta bán sức lao động hàng tháng với mức lương 10 triệu đồng.

Khi hai thế giới này va chạm, quy chuẩn thị trường thường lấn lướt quy chuẩn xã hôi. Có những quy chuẩn xã hội thậm chí còn không thể phục hồi khi va chạm với quy chuẩn thị trường. Câu chuyện đi muộn cũng vậy, nó có thể thuộc bất kì thế giới nào tùy thuộc vào kỹ năng của nhà quản lí.

Hai thế giới và câu chuyện đi muộn

Đọc đến đây bạn sẽ đặt câu hỏi, quy chuẩn xã hội thì liên quan gì đến việc đi muộn??? Hãy để tôi giải thích.

Việc đi làm muộn, khi nó nằm trong tham chiếu của quy chuẩn xã hội, nó có thể được diễn giải như sau: Tôi có nghĩa vụ với công ty là phải đi làm đúng giờ và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu như tôi không đi làm đúng giờ được, thì tôi sẽ cảm thấy một sự tội lỗi dâng trào. Tôi sẽ có xu hướng làm thêm giờ để bù vào phần mà mình đã ăn bớt của công ty. Mà thường phần làm thêm giờ luôn lớn hơn phần đi muộn.

Ngược lại, khi việc đi làm muộn nằm trong tham chiếu quy chuẩn thị trường, nó có thể được diễn giải rằng: Tôi được trả lương để đi làm 8 tiếng và hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian đó. Nếu tôi đi làm muộn 15 phút, tôi sẽ trả lại công ty chi phí cho phần 15 phút đó. Như vậy tôi và công ty không ai nợ ai.

Vậy là mọi chuyện đã sáng tỏ

Khi bạn có thể trả cho lỗi đi muộn, bạn sẽ trả một cách sàn phẳng. Đó là câu chuyện thứ hai. Việc tôi phạt nhân viên 50k/ lần đi muộn đã khiến nó trở thành quy chuẩn thị trường hàng – tiền – hàng. Đó là lý do vì sao tình trạng đi muộn không giảm mà thậm chí còn tăng. Vì nhân viên của tôi sẵn sàng trả tiền để được ngủ thêm 15 phút buổi sáng.

Ở câu chuyện thứ nhất, đó là quy chuẩn xã hội, tuy nhiên rất lỏng lẻo. Một số người cảm thấy cần phải đền bù lại phần giờ đã bị hụt, nhưng một số người thì không thấy tội lỗi lắm. Đây là một dạng giao kèo tự nguyện, bạn có thể làm hoặc không làm cũng được.

Ở câu chuyện thứ ba, vị giám đốc đã biến việc đi làm muộn trở thành một quy chuẩn xã hội mạnh mẽ. Nếu tôi không đi làm đúng giờ, tôi sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tất cả mọi người trong công ty. Mặc dù không ai chỉ đích danh kẻ đã đi làm muộn, nhưng tôi vẫn sẽ thấy tội lỗi đè nặng khi tôi để việc đó xảy ra.

Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã không giữ được tỉ lệ đi làm muộn cực thấp. Sau 3 tháng vẫn có 1 người đi muộn vào ngày thứ 29, cả công ty đã không giữ được khoản thưởng kia nữa. Do chịu áp lực của “dư luận”, nên người phụ trách đã buộc phải cho thông tin người đi muộn ra ánh sáng. Sau hành động đó, gần như công ty bị “vỡ trận” trong cuộc chiến chống lại muộn tặc.

Tại sao vậy?

Đây cũng là một lỗi tâm lý học, tôi sẽ phân tích trong phần tiếp theo của bài này Mối quan hệ giữa đi muộn và hiệu suất