Tâm lý học quản trị (Đi muộn và hiệu suất)

Vào ngày thứ 29, một nhân viên đi muộn đã bị buộc phải lên tiếng xin lỗi trước toàn công ty. Vụ việc này đã làm thay đổi hoàn toàn chiến dịch đi làm đúng giờ mà vị CEO đã đề ra từ trước. Vì sao vậy?

Theo tôi, xin lỗi công khai không khác gì một hình thức kỉ luật trước toàn công ty. Cái tôi của người bị kỉ luật bị tổn thương sâu sắc. Họ sẽ có xu hướng bù đắp cái tôi tổn thương bằng một hành động nào đó, thường là không có lợi gì cho công ty. Ở những cá nhân có cái tôi mạnh, họ sẽ chống lại tiêu chuẩn xã hội. Điều này cũng đúng khi quan sát những đứa trẻ thường bị mắng mỏ trước đám đông, chúng thường trở nên lì lợm & cứng đầu hơn. Tôi không biết cô nhân viên kia đã đi theo chiều hướng nào. Nhưng sau hôm đó, cô ấy vô tình đã kêu gọi được một số “người đồng cảm”.

Những người khác bắt đầu đặt câu hỏi: 50$ có đáng để bị “bêu tên” như vậy không?

Vào ngày thứ 4 của chu kì reset tiếp theo, tôi chứng kiến 3 lời xin lỗi vì việc đi làm muộn. Sau đó rất nhiều lời xin lỗi nữa. Việc quá nhiều người xin lỗi công khai trước toàn công ty, khiến chiến dịch đúng giờ trông giống một trò đùa của ban lãnh đạo hơn. Bắt đầu có sự nghi ngờ về tính minh bạch của phần thưởng. Họ chưa bao giờ đạt được nó có lẽ vì ban lãnh đạo đã biết đó là một nhiệm vụ không tưởng. Trong OKRs, việc đặt ra một mục tiêu không tưởng thường lợi bất cập hại.

Chiến dịch đi làm đúng giờ sau đó chính thức thất bại. Những người cố gắng đi làm đúng giờ trong suốt chiến dịch đã không nhận được lời khen ngợi nào.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là nếu khôi phục lại trạng thái ẩn danh của những người đi muộn, thì tỉ lệ đi muộn có được cải thiện như ban đầu hay không? Tôi hết sức tò mò về việc đó.

Thực sự thì đi muộn có ảnh hưởng đến hiệu suất không?

Để nói về hiệu suất, ta hãy nói về hai khái niệm hiệu suất cá nhân và hiệu suất công ty.

Hiệu suất cá nhân đến từ rất nhiều yếu tố như mức độ thành thạo công việc, tiền lương & động lực làm việc. Ở một số tổ chức sáng tạo, người ta chấp nhận việc đi muộn như một phần của công việc. Trên thực tế, những người thông minh nhất tôi từng cộng tác lại là những người có thói quen đi muộn. Tôi cho rằng sẽ thật phiến diện khi chỉ đánh giá năng lực của một người thông qua việc họ có đi làm đúng giờ hay không.

Nhưng đi làm muộn thực sự ảnh hưởng đến hiệu suất nhóm, ta hãy xem xét định nghĩa sau về nhóm làm việc:

Nhóm làm việc là tập hợp của những người làm những công việc phụ thuộc vào nhau và có một mục tiêu chung.

Nhóm hiệu suất cao là nhóm thường xuyên phản hồi và hướng tới mục tiêu chung. Ở một chừng mực nào đó, việc không xuất hiện đúng giờ thực sự ảnh hưởng đến khả năng phản hồi trong nhóm. Nếu bạn từng biết đến hiệu ứng cửa sổ vỡ, thì việc đi muộn thường xuyên sớm muộn cũng phá vỡ cấu trúc nhóm.

2 phương pháp chống đi muộn

Đây là một vấn đề cổ điển, tôi chắc rằng có nhiều cách để giải quyết nó. Nhưng trước khi lao vào giải quyết, ta hãy cùng xem xét lại đó có phải là một vấn đề cần giải quyết triệt để hay không? Tại các tổ chức kỷ luật cao như quân đội, họ đòi hỏi việc chính xác giờ giấc do tính hệ trọng của công việc. Nhưng hãy xem xét rằng, doanh nghiệp là một thực thể xã hội, họ sáng tạo ra các giá trị liên tục. Việc duy trì kỉ luật thép quá mức rất có thể gây hại. Chúng ta cần những phương pháp giải quyết phần sâu hơn của vấn đề.

Quy định giờ làm việc cùng nhau

Hãy xem lại khái niệm nhóm. Nhóm hoạt động hiệu quả nếu các thành viên làm việc cùng nhau và tương tác thường xuyên về nội dung công việc. Nhưng con người là những cá thể độc lập, không phải trong tác vụ công việc nào họ cũng cần teamwork. Tôi có cơ hội cộng tác cùng một số tổ chức iNGO (tổ chức phi chính phủ quốc tế), việc đi muộn thường xuyên xảy ra nhưng đó không phải vấn đề lớn. Họ quy định giờ có mặt cùng nhau tại văn phòng trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài thời gian đó, họ được tự do sử dụng thời gian của mình, tất nhiên là trong quy chuẩn xã hội của tổ chức.

Tạo Văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ

Đây là phương pháp mà tôi cho rằng hiệu quả nhất. Trong phần 1 – câu chuyện đi làm muộn, tôi đã nhắc đến quy chuẩn xã hội và quy chuẩn kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy tạo ra mối liên kết bền chặt theo chiều ngang, từ dưới lên và từ trên xuống. Một doanh nghiệp có văn hóa, thường là một xã hội thu nhỏ với một quy chuẩn xã hội mạnh mẽ. Dan Ariely gợi ý các thành viên trong công ty ký tên vào bản tuyên bố trách nhiệm xã hội trước khi được tuyển dụng chính thức. Việc này có hiệu quả bất ngờ trong việc giữ cam kết của nhân viên ở mức cao.

Kết

Vậy câu chuyện đi muộn có xấu hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào góc nhìn của nhà quản lý. Ở Nhật có văn hóa “just in time”, đi sớm hay đi muộn cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng với đối tác. Tại Việt Nam, thời gian là một khái niệm tương đối “co giãn”, vì vậy không phải chuyện lạ khi mọi người coi đi muộn như một thứ văn hóa. Dù vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất vẫn đưa ra sự cam kết khi làm việc trong cùng một nhóm. Điều chúng ta đã cam kết cần phải được thực hành một cách nghiêm túc và kỉ luật.